I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
- Trẻ nhận biết, phân biệt được cảm xúc: Vui, buồn, tức giận.
- Trẻ sử dụng lời nói, cử chỉ để thể hiện một số hành vi, cảm xúc vui, buồn, tức giận.
- Trẻ kiềm chế được cảm xúc, có thái độ ứng xử phù hợp với trạng thái của người khác.
- Trẻ an ủi bạn, chơi chung cùng bạn
II.CHUẨN BỊ
- Bài hát “Bé khóc nhè”
- Video câu chuyện “Qua đường”
- Một số đồ dùng để trẻ trang trí khuôn mặt: Ly giấy, đĩa nhạc...
III. MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG
Trong lớp học, phòng học sạch sẽ, thoáng mát
IV. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
* Gây hứng thú: Hát và trò chuyện
- Trẻ hát vận động theo bài hát: Bé khóc nhè
- Trò chuyện về nội dung bài hát:
+ Các con vừa hát bài hát gì?
+ Vì sao bé khóc nhè?
+ Theo con thì con sẽ làm gì để bé không khóc nhè?
+ Vậy khóc là lúc chúng ta cảm thấy vui hay buồn?
- Trẻ nghe cô giáo dục: Vui, buồn, tức giận là những cảm xúc thường ngày của con người chúng ta. Để biết được những cảm xúc đó thể hiện lúc nào. Biểu hiện ra sao, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
* Hoạt động 1: Bé thể hiện cảm xúc
- Có một câu chuyện “Qua đường” cô sẽ cho các con xem, các con chú ý xem các nhân vật trong câu chuyện có những cảm xúc gì nhé!
- Trẻ xem video câu chuyện “Qua đường”
- Trò chuyện về nội dung câu chuyện
+ Các con vừa xem câu chuyện gì?
+ Trong câu chuyện có những ai?
+ Khi được mẹ cho 2 chị em thỏ đi chơi, thì cả 2 chị em có biểu hiện cảm xúc gì? Vì sao con biết?
+ Khi 2 chị em thỏ chạy ào sang đường thì Bác gấu lúc đó tỏ thái độ gì? Vì sao con biết?
+ Khi được chú cảnh sát giải thích, thì 2 bạn thỏ có cảm xúc gì? Vì sao?
+ Nếu là con khi muốn qua đường thì con làm gì?
- Qua câu chuyện các con thấy xung quanh chúng ta có rất nhiều điều thú vị, chúng ta rất muốn đến đó ngay để nhìn ngắm chúng, nhưng phải biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, khi muốn băng qua đường phải nhìn trước, nhìn sau, khi không còn xe, cảm thấy an toàn mới được qua, hoặc khi qua đường phải có người lớn dắt. Nếu không quan sát mà băng qua đường sẽ gây nguy hiểm cho mình và người khác.
- Bây giờ các con cùng lên xe, cô sẽ đưa các con đến một nơi thật thú vị
- Trẻ xem một số hình ảnh và nói lên cảm xúc được thể hiện trong hình
+ Các con xem thấy những hình gì?
+ Những hình ảnh đó thể hiện cảm xúc gì? Vì sao con biết?
-
Trẻ phân biệt cảm xúc tích cực với cảm xúc tiêu cực
-
Giáo dục: Những cảm xúc thể hiện sự vui tươi, thích thú...đó là những
cảm xúc tốt, tích cực, nên làm. Các con phải thường xuyên thể hiện để đem lại niềm vui cho bản thân và người khác.
Những cảm xúc thể hiện sự nổi nóng, tức giận, buồn...đó là những cảm xúc xấu, tiêu cực, không nên làm. Nên các con phải biết kiềm chế
- Trẻ xem một số khuôn mặt thể hiện cảm xúc khác nhau, trẻ bắt chước, thể hiện khuôn mặt vừa xem.
* Hoạt động 2: Trang trí khuôn mặt theo ý thích
- Trẻ đến bàn, trang trí khuôn mặt theo sở thích của trẻ
- Hết thời gian trẻ cầm sản phẩm của mình trên tay và chơi theo ý thích (ngắm sản phẩm của mình, của bạn, khoe với bạn sản phẩm mình làm ra)
- Trẻ cùng cô nhận xét sản phẩm
* Kết thúc: Trẻ hát bài “Vui là vui” ra ngoài
Dọn dẹp đồ dùng